Khó nói hết những lúng túng của mẹ trong 6 tháng đầu đời, để “làm quen” với bé. Vài “mẹo” nhỏ này sẽ giúp bạn bớt đi những bỡ ngỡ ban đầu.
1. Bạn nên ủ bé trong khăn
Trẻ sơ sinh vốn quen với sự bao bọc của tử cung và chưa kiểm soát được hoạt động của tay chân. Vì thế, quấn khăn cuộn xung quanh bé trong những ngày đầu tiên sau khi sinh giúp bé cảm giác “chặt chẽ” như lúc trong bụng mẹ, bình tĩnh và kéo dài giấc ngủ sâu hơn. Lưu ý đừng ủ bé quá chặt sẽ khiến bé ngột ngạt, khó thở. Các điều dưỡng sẽ hướng dẫn bạn làm tốt điều này những ngày đầu.
2. Cách tắm cho trẻ sơ sinh
Làn da bé sơ sinh rất mỏng manh nên bạn không cần tắm bé thường xuyên mỗi ngày trong tuần lễ đầu tiên đâu nhé. Chỉ cần vệ sinh sạch sẽ mỗi khi thay tã và nhẹ nhàng lau người cho bé.
Một vài lưu ý khi bạn tắm bé:
- Bước 1: Pha nước ấm vào thau, thử sức nóng của nước. Lưu ý nước vừa đủ ấm là 36 độ C.
- Bước 2: Dùng khăn bông to quấn quanh người bé, ôm chặt bé, ngửa đầu. Dùng khăn bông nhỏ nhúng nước lau mặt bé theo trình tự: 2 mắt, mũi, mặt, 2 tai. Mẹ có thể lau mắt theo trình tự từ trong khóe mắt kéo khăn ra ngoài hai bên tai, đổi mặt khăn lau mắt còn lại.
- Bước 3: Làm ướt tóc, gội đầu bé bằng xà phòng, xả lại với nước ấm sạch, tốt nhất mẹ nên chọn loại xà bông không làm cay mắt bé.
- Bước 4: Lau khô tóc ngay sau khi xả sạch nước. Bỏ khăn bông đang quấn quanh người bé. Cho người bé vào thau nước, một tay luôn đỡ đầu bé, tay còn lại tắm từ cổ xuống chân.
- Bước 5: Xong nhẹ nhàng nhấc bé ra khỏi thau nước. Đặt trẻ vào khăn bông to đã trải sẵn, lau khô người bé và mặc quần áo sạch.
3. Cẩn trọng bé bị hăm tã
Tã bẩn, tã ướt sẽ làm bé khó chịu, dễ viêm nhiễm, dễ hăm tã. Do đó, bạn cần giữ cho bé luôn sạch sẽ và khô thoáng bằng cách chú ý thay tã thường xuyên, kịp lúc.
Vệ sinh, rửa sạch kỹ càng vùng kín cho trẻ mỗi lần thay tã. Mẹ có thể dùng bông gòn hoặc khăn bông mềm để lau khô. Tuyệt đối không chà xát để tránh gây tổn thương cho vùng da của bé.
Mỗi khi trời nóng bức hoặc khi bé không khỏe trong người, mẹ nên cho bé dùng tã vải để bé cảm thấy thoải mái hơn. Vào ban đêm, bé cần giấc ngủ liên tục nên mẹ có thể đóng bỉm cho bé, nhưng cũng phải thường xuyên kiểm tra để tránh trường hợp bé bị ướt, lâu ngày sẽ bị hăm tã.
4. Bé khóc dạ đề
Một số bé rất hay khóc đêm trong những tháng đầu đời (khóc dạ đề). Bạn đừng quá căng thẳng, hãy tìm hiểu thử những nguyên nhân này:
- Tã ướt, bé ngứa ngáy, khó chịu với áo quần, nệm mền…
- Bé khó chịu do đầy bụng, chướng bụng hoặc đau bụng.
- Bé đói bụng hoặc khát.
- Bé quá nóng hoặc quá lạnh với nhiệt độ trong phòng.
- Phòng ẩm thấp hoặc có mùi khó chịu (lưu ý khứu giác của trẻ nhỏ cực kỳ nhạy cảm, một mùi nước xịt phòng thoáng qua hoặc một vài mùi hôi mẹ chưa nhận biết thì đã có thể làm bé khóc rồi).
- Bé thiếu canxi.
- Bé khóc do thay đổi thời tiết, do đi tiêm phòng gây đau hoặc sốt tạm thời.
Nếu tìm được nguyên nhân, hãy khắc phục cho bé dễ chịu hơn. Trường hợp không hề có nguyên nhân nào nhưng bé vẫn khóc, quấy suốt đêm, mẹ nên đưa bé đi khám bác sĩ, để tìm hiểu xem bé có vấn đề sức khỏe nào không.
5. Chú ý tối đa đến sự an toàn của bé
Hãy kiểm tra độ an toàn của mọi thứ trong tầm tay bé. Cần bảo đảm rằng áo quần của bé không có nút, nếu có thì nút không bị đứt ra. Những chi tiết nhỏ như mắt bằng plastic trên chú gấu bông cũng cần cẩn thận vì chúng có thể bong ra, bé tò mò cho vào miệng sẽ ngạt thở vì những vật này.
Nếu bé có dùng núm vú giả, đừng mắc chúng vào một cái vòng và đeo quanh cổ bé, vì vòng dây có thể làm bé ngạt thở.
Đưa bé đi khám bác sĩ định kỳ thường xuyên, tiêm ngừa cho bé đầy đủ theo lịch.
Mẹ cũng cần trang bị cho mình mọi kiến thức để xử lý đúng khi bé sặc sữa, nôn ói…
6. Dinh dưỡng
Nỗ lực duy trì sữa mẹ hoàn toàn cho bé trong 6 tháng đầu đời. Bạn cũng đã cần quan tâm đến việc chuẩn bị cho bé ăn dặm - một giai đoạn rất quan trọng. Theo dõi chiều cao và cân nặng của bé. Nếu bé có dấu hiệu chậm tăng trưởng, cần trao đổi ngay với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng.
Bác sĩ CK1. Đào Thị Yến Thủy (Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM)