Con bước sang độ tuổi từ 1-3, một trong những chuyện “đau đầu” vào hàng… bậc nhất của mẹ bây giờ chính là chuyện bé biếng ăn. Làm sao nhỉ?
Mẹ cần biết
Biếng ăn là tình trạng thường gặp ở trẻ em, đặc biệt trong khoảng 1-3 tuổi. (Sau 3 tuổi, trẻ đi mẫu giáo nên thường tình trạng biếng ăn sẽ được cải thiện, trẻ ăn tốt hơn trong môi trường có các bạn cùng tuổi). Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng bé biếng ăn và nếu mẹ lưu tâm, tránh ngay từ đầu thì có thể “giải quyết” được tận gốc tình trạng biếng ăn của trẻ.
Lưu ý thêm là đừng đợi trẻ biếng ăn “nặng”, dài ngày rồi mới tìm cách “chữa”. Bổ sung cho bé những ly sữa cung cấp đầy đủ dưỡng chất thiết yếu, giúp bé phát triển toàn diện, chính là một trong những cách giúp bé nhanh chóng thoát khỏi vòng luẩn quẩn biếng ăn. Trong vòng 2 giờ đồng hồ trước cữ ăn chính, mẹ không nên cho bé ăn hay uống gì quá ngọt, dễ tạo cảm giác “no ngang”, không muốn ăn. Mẹ hãy lưu ý đến việc cần làm đầu tiên trong 7 việc nêu ra dưới đây nhé!
1. Đừng quên sữa để đảm bảo dinh dưỡng cho bé
Bé biếng ăn dài ngày dễ rơi vào một “vòng tròn” rất đáng ngại. Đó là: Bé biếng ăn nên suy dinh dưỡng, thiếu chất; suy dinh dưỡng, thiếu chất nên sức đề kháng của bé kém; sức đề kháng kém nên bé dễ bệnh vặt; bệnh vặt nên bé càng trở nên mệt mỏi, khó hấp thụ và biếng ăn hơn.
Khi “vòng tròn” này lặp lại, xoay vòng, tình trạng biếng ăn của bé càng lúc càng nghiêm trọng và khó khắc phục. Để tránh cho bé từ đầu, mẹ lưu ý luôn cần đảm bảo lượng sữa (vốn là “thực phẩm quen thuộc” của trẻ) đầy đủ mỗi ngày. Ưu tiên chọn cho trẻ những sữa có công thức, bổ sung đầy đủ dưỡng chất, hỗ trợ nâng cao sức đề kháng cho trẻ.
Khi trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt chiều cao, cân nặng, tăng cường sức đề kháng, cơ thể trẻ cũng sẽ có được cảm giác ngon miệng, thích thú với bữa ăn hơn. Mẹ ghi nhớ, sữa là thực phẩm cần cho bé suốt cuộc đời chứ không phải chỉ trong năm đầu đời như nhiều người nhầm tưởng. Bé 1-3 tuổi vẫn cần được bổ sung lượng sữa đầy đủ mỗi ngày.
Nhu cầu sữa đối với trẻ 1-3 tuổi
Chế độ ăn chính thức hàng ngày của trẻ ở độ tuổi này là cháo, cơm, mì, súp, bún, phở… Bên cạnh đó, trẻ vẫn cần 400-500ml sữa/ngày. Giai đoạn này, bạn có thể dùng sữa công thức có độ tuổi phù hợp cho con, ưu tiên các loại sữa bột không chứa đường và không hương liệu, để bảo vệ cho hệ tiêu hóa của trẻ khỏe mạnh. Ngoài ra có thể cho trẻ “thử” thêm sữa chua để làm phong phú khẩu vị và thực đơn của trẻ.
2. Hãy để trẻ biết cảm giác “đói”
Mẹ luôn mong con ăn nhiều, chóng tăng cân. Thế nên nhiều lúc mẹ cứ “ép” trẻ ăn, hối thúc con ăn kể cả khi bé chưa kịp đói. Tình trạng này lặp lại nhiều lần, bé sẽ không thấy bữa ăn là nhu cầu của mình (ăn khi đói) nữa. Trái lại, bé thấy bữa ăn là lúc phải nghe lời mẹ, làm theo ý mẹ. Dần dần, bé nảy sinh tâm lý khó chịu, sợ đến giờ ăn, ngậm cơm rất lâu mới chịu nuốt… Mẹ nên biết điều này để tránh từ ban đầu. Trẻ đói nhất định sẽ đòi ăn và ăn ngon miệng.
Mẹo cho mẹ
Đừng kéo dài bữa ăn quá 30 phút. Nếu bé có vẻ không muốn ăn, ngưng cho bé ăn. Cữ ăn sau bé sẽ đói và ăn tốt hơn.
3. Tạo cho bé “cảm hứng” với bữa ăn
Rất nhiều mẹ “dụ” con ăn bằng cách ẵm con đến sân chơi hoặc mở tivi cho bé xem, lừa lúc con không chú ý thì… đút cho con một muỗng. Đây là cách làm hoàn toàn sai lầm. Bé không chú ý đến việc nhai (do mải xem tivi hoặc mải quan sát đồ chơi) thì không nhận ra thức ăn ngon lành, hấp dẫn. Nước bọt và các men tiêu hóa không được kích thích tiết ra, trẻ dễ vô ý nuốt trọng thức ăn (quên nhai) dẫn đến hệ tiêu hóa lâu ngày sẽ bị ảnh hưởng.
Để tạo “cảm hứng” cho con với bữa ăn, hãy tắt tivi, để trẻ ngồi vào bàn ăn, thật sự tập trung vào chuyện… ăn của mình. Trẻ sẽ ăn ngon miệng hơn khi quan sát thấy dĩa thức ăn mẹ trang trí xinh xắn, màu sắc hấp dẫn. Ăn bằng “mắt” chính là thế!
Khi con được gần 3 tuổi, mẹ cũng có thể hướng dẫn để bé tham gia vào quá trình chuẩn bị bữa ăn. Ví dụ như bé sắp cà rốt, khoai tây vào rổ cho mẹ; bé đi siêu thị cùng mẹ; cho bé bày biện thức ăn vào dĩa của bé… Tất cả những việc làm này đều kích thích bé mong chờ được nếm thử món ăn do mình “tham gia”. Điều này tạo ra cảm giác ngon miệng hơn cho bé.
4. Làm phong phú thực đơn
Bạn đã bao giờ liền tù tì 7 ngày ăn cùng một món ăn sáng chưa? Cảm giác sau 7 ngày là có thể bạn… sợ luôn mỗi khi nhìn thấy món đó lần nữa. Rất nhiều mẹ không hề biết rằng bé cũng hệt như người lớn, tức là biết “ngán” khi cứ phải ăn cùng một món nhiều ngày.
Thực đơn đơn điệu, lặp lại sẽ khiến bé rất dễ biếng ăn, đồng thời còn làm cho bé dễ thiếu chất. Mẹ nên tham khảo thường xuyên các thực đơn mới, thay đổi liên tục món cho bé, tạo sự phong phú khiến bé thích thú chờ đợi được khám phá bữa ăn.
5. Cho con quyền chọn lựa
Một nguyên nhân khác dễ dẫn đến tình trạng biếng ăn là bé đến tuổi cần khẳng định mình (giai đoạn tuổi lên 3). Lúc này, mẹ sẽ thấy bé “chướng” hơn, “khó chịu” hơn. Bé thường thích… làm ngược lại những điều ba mẹ bảo, thậm chí không chịu ăn một món nào đó đơn giản là cách để cho mẹ biết bé cũng có “cái tôi”.
Nhiều mẹ phát cáu với “nhóc” của mình ở tuổi này. Thật ra, không khó xử đến vậy đâu. Bạn chỉ cần đưa ra hai chọn lựa (mà bạn nghĩ cái nào cũng tốt) và cho bé chọn một. Ví dụ: “Tin thích ăn canh mồng tơi hay canh súp bí đỏ?”, “Con thích ăn thịt gà hay ăn tôm?”. Bằng cách này, bé sẽ không bướng bỉnh từ chối món ăn bạn lấy cho con nữa mà chịu ăn một cách rất ngon lành.
6. Cho con tham gia vào bữa ăn gia đình
Ăn một mình bao giờ cũng… kém vui hơn là ăn cùng với cả nhà. Đến độ tuổi này, bé đã có thể ăn cơm gần như người lớn rồi. Do đó, việc để bé cùng tham gia vào bữa ăn gia đình là cần thiết. Không khí “cùng ăn”, tò mò khi bố mẹ nếm món này món kia sẽ kích thích bé ngon miệng hơn, ăn nhiều hơn.
7. Chia nhỏ phần ăn
Bé sẽ “ngán” trước cả khi ăn nếu nhìn thấy cả một chén cơm đầy ú. Thay vào đó, mẹ có thể lấy một chiếc dĩa to xinh xắn, chỉ xếp vào đó vài muỗng thức ăn mà thôi. Bé sẽ “chinh phục” hết ngay phần ăn của mình dễ dàng. Bằng cách chia nhỏ các phần ăn ra, cho bé ăn một lượng vừa phải, bé sẽ không có cảm giác ngán và sợ.