Ăn dặm đánh dấu một “cột mốc” quan trọng trong quá trình phát triển của bé. Từ đây, bé không còn chỉ biết đến sữa mẹ như những tháng đầu đời nữa mà được làm quen với vô vàn “hương vị” đặc sắc khác nhau. Nhưng mẹ cần “thuộc lòng” những căn dặn sau đây khi cho con ăn dặm nhé!
1. Đúng thời điểm
Đừng nôn nóng cho bé ăn dặm sớm để mong con “cứng cáp”. Ăn dặm sớm có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ tiêu hóa của trẻ.
Bạn chỉ nên cho con thử những muỗng bột đầu tiên của giai đoạn ăn dặm nếu như thấy bé đã có đầy đủ những biểu hiện này (xin nhấn mạnh là bé phải có đầy đủ các biểu hiện dưới đây, chứ không phải chỉ một vài biểu hiện trong số đó):
- Bé đã có thể ngồi tựa lưng vững vàng để nuốt thức ăn.
- Khi nhìn người lớn ăn, bé có biểu hiện đùn lưỡi ra vào nhiều lần, miệng chóp chép bắt chước, nuốt nước bọt. (Trong nước bọt chứa men amylaza tiêu hóa tinh bột, khi bé tiết nước bọt có nghĩa là bé đã có thể tiêu hóa được tinh bột).
- Bé vẫn có vẻ đói sau khi đã bú mẹ 8-10 lần hoặc sau khi đã uống khoảng 1 lít sữa công thức trong một ngày.
- Bạn cho bé thử một chút “xíu xiu” bột ăn dặm (lượng rất ít), bé biết ngậm miếng bột này trong miệng và sau đó nuốt, chứ không dùng lưỡi để đẩy thức ăn ra khỏi miệng.
- Bé thực hiện được động tác nhai.
Giai đoạn ăn dặm hợp lý của bé là vào khoảng 5.5-6 tháng tuổi, khi bé có đầy đủ các biểu hiện kể trên.
2. Từ ngọt đến mặn, từ loãng đến đặc, từ ít đến nhiều
Không bao giờ nên nôn nóng trong giai đoạn đầu tiên bé ăn dặm. Mỗi trẻ có một nhịp điệu phát triển khác nhau nên bạn đừng tự hỏi sao bé hàng xóm sinh cùng tuần lễ với con mình đã ăn dặm “ngon lành” mà con mình vẫn có vẻ rất… “vụng về”.
Chỉ tập cho con ăn vài muỗng trong 1 tuần đầu, tăng dần ở tuần thứ 2, qua tuần thứ 3 mới ăn hẳn thành ngày 1 cữ ăn dặm. Cho bé ăn bột loại ngọt trước, sau đó mới chuyển sang bột loại mặn.
Chỉ tập cho bé ăn dặm khi bé đang khỏe (không đau ốm, không phải lúc mới tiêm ngừa…).
3. Một vài cột mốc bạn nên nhớ
- Chỉ tập cho con ăn hẳn 1 cữ ăn dặm trong ngày khi bé được 6 tháng tuổi.
- Chỉ tập cho con ăn cữ thứ hai trong ngày khi bé được 7-7.5 tháng tuổi (cữ thứ hai cũng từ ít lên nhiều, không đột ngột).
- Chỉ tập cho bé ăn cháo nhuyễn khi bé qua tháng thứ 10. Trước 10 tháng, không nên vội cho bé ăn cháo vì sẽ khó tiêu hóa, hấp thu. Một số trường hợp đặc biệt, đường ruột bé tốt (biểu hiện trong suốt giai đoạn ăn dặm bột trước đó), thì khoảng 9 tháng rưỡi đã ăn cháo được. Mẹ nên quan sát sự tiêu hóa của con (đi ngoài tốt, không bị đầy bụng…) để cho bé ăn cháo 1 cữ/ngày. Tuy nhiên, cũng không nên cho trẻ ăn đến 2 cữ cháo/ngày trước 10 tháng tuổi.
4. Bé phải tiêu hóa được!
Đây là điều tối quan trọng. Trong quá trình cho con ăn dặm, nếu thấy bé có vấn đề về tiêu hóa như tiêu chảy, đi phân sống, đầy bụng, nôn ói…, lập tức phải dừng ăn dặm (nếu mới bắt đầu) hoặc dừng món đang cho bé ăn dặm (nếu bé đã ăn dặm được lâu). Đừng bao giờ nghĩ rằng: “Chẳng sao đâu, cứ cho bé ăn tiếp, vài ngày sẽ… quen!!!”.
Hệ tiêu hóa của bé “phản ứng” nghĩa là cơ thể bé chưa sẵn sàng tiếp nhận việc ăn dặm hoặc một món ăn dặm nào đó, không hấp thu được, chứ không phải là “chưa quen”.
Trong giai đoạn đầu trẻ tập ăn dặm, mẹ không cần quan tâm lắm đến chuyện thức ăn phải “đủ dinh dưỡng”, vì thực tế, nguồn dinh dưỡng chính của bé lúc này vẫn là từ sữa. Việc cho bé ăn dặm chỉ nhằm giúp bé làm quen, tập cho hệ tiêu hóa của bé “làm việc”, thích nghi với thức ăn bên ngoài. Do đó, điều quan trọng nhất của thực phẩm ăn dặm lúc này là bé phải tiêu hóa được (chứ không phải là cố chọn những món mẹ nghĩ là giàu dưỡng chất).
Mẹ cần biết:
Chỉ cần bé vẫn tiếp tục tăng trưởng chiều cao - cân nặng theo chuẩn, bé khỏe mạnh và vui vẻ, bé đi ngoài tốt, không đầy bụng, nôn ói… thì có nghĩa là mẹ đang cho bé ăn dặm đúng và đủ. Không cần sốt ruột so sánh “con mình vẫn chỉ mới ăn bột trong khi con hàng xóm đã ăn được cháo rồi” hoặc “con nhà hàng xóm ăn dặm được nhiều cữ hơn con mình”!
5. Duy trì lượng sữa cần thiết suốt quá trình bé ăn dặm
Trước 12 tháng, nguồn dinh dưỡng chủ yếu cung cấp cho bé vẫn là từ sữa. Việc ăn dặm từ 6-12 tháng chỉ mới là bước làm quen. Bé tiêu hóa được thức ăn là đã “đạt yêu cầu”, mẹ chưa cần quá đặt nặng vấn đề cân đong đo đếm các nhóm chất để hi vọng các bữa ăn dặm phải cung cấp thật nhiều dưỡng chất cho bé…
Lượng sữa cần thiết cho bé từ 6-12 tháng tuổi mà mẹ cần duy trì để đảm bảo bé được cung cấp đủ dinh dưỡng:
- Từ 6-8 tháng: 1.000-1.200ml sữa tổng cộng cả ngày.
- Từ 9-12 tháng: 800-1.000 ml sữa tổng cộng cả ngày.
Ví dụ, bé 9 tháng khỏe mạnh có thể bú trung bình 1 lần tương đương 180-200ml sữa. Bú 4-6 cữ là được lượng sữa như trên. Cộng với ăn bột 2 cữ.
Lưu ý mẹ: Nếu mới bước sang giai đoạn ăn dặm, bé chậm tăng cân, tăng chiều cao so với chuẩn (bé vẫn tăng cân chứ không bị chững lại hoặc sụt cân, nhưng tăng ít, tăng chậm so với chuẩn) thì việc mẹ cần làm là tăng lượng sữa cho bé, chứ không phải vội vã tăng cữ ăn dặm hoặc tăng lượng thực phẩm ăn dặm, tăng món ăn dặm…
Nhiều phụ huynh đều có tâm lý muốn con cứng cáp, sợ con thiếu chất nên cho ăn dặm mà không biết hệ tiêu hóa của bé chưa phát triển hoàn chỉnh để tiếp nhận thức ăn. Điều này dẫn đến việc bé bị rối loạn tiêu hóa.
PGS. TS. Nguyễn Anh Tuấn (Phó Trưởng bộ môn Nhi, Đại học Y Dược Tp.HCM)