Bình thường hay không bình thường?

Với đứa con đầu lòng, mẹ chưa có nhiều kinh nghiệm nên dễ lúng túng với một số dấu hiệu “khác lạ” ở trẻ trong giai đoạn này, không biết đó là dấu hiệu bình thường hay đáng lo ngại. Hãy thử kiểm tra lại nào!

1. Khoảng 7 tháng tuổi, bé bỗng bứt rứt, hay cắn đồ chơi, sốt nhẹ, việc đi ngoài hơi thay đổi (tiêu chảy nhẹ)… 

>> Bình thường, mẹ nhé! 

Hãy theo dõi các triệu chứng của bé nhưng đừng quá lo lắng. Các dấu hiệu này có thể báo hiệu một “tin vui”: bé mọc răng. Bạn hãy vỗ về con, cho bé vòng nhai (dành cho bé mọc răng) để bé nhai, giảm sốt cho bé bằng khăn mát thông thường. Chỉ cần đưa bé đến bác sĩ nếu các dấu hiệu có chiều hướng tăng nặng lên (sốt cao hơn) hoặc kéo dài quá 3 ngày.   

2. Khi bé được khoảng 8 tháng tuổi, bạn nhận ra rất nhiều lần bạn gọi con từ phía sau mà con không có phản ứng…

>> Đáng lo ngại!

Bạn có thể đọc lại về các cột mốc phát triển bình thường của bé đã trình bày ở trang trước. Khoảng 8 tháng tuổi, bé đã có thể nhận ra rõ ràng tiếng mẹ, biết mẹ gọi mình và luôn quay đầu về phía có tiếng gọi để tìm mẹ. Nếu việc bé không quay lại chỉ 1-2 lần, có thể lý giải do bé đang mải chơi. Tuy nhiên, nếu điều này lặp lại nhiều lần, bạn hãy thử quan sát xem bé có bị giật mình khi trong phòng có tiếng động đột ngột không (ví dụ gió thổi làm sập cánh cửa sổ vào), bé có tò mò với các vật phát ra tiếng động không… Nếu câu trả lời vẫn là “không”, bạn nên trao đổi với bác sĩ và đưa bé đi kiểm tra các vấn đề về thính giác. 

3. Khi bạn hết thời gian nghỉ sinh, phải đi làm lại và không thể bên con suốt ngày nữa, bạn nhận thấy bé rất ngoan, không hề khóc lóc vòi vĩnh mẹ, cũng chẳng hề đòi ông bà hay người chăm sóc nào khác. Bé có vẻ rất “dễ chịu” với chuyện được ở một mình…

>> Hãy lưu tâm đến bé!

Trẻ nhỏ từ 6-12 tháng tuổi cực kỳ “quấn” cha mẹ. Bé sẽ có những biểu hiện nhớ mẹ, vòi mẹ, lo lắng khi mẹ không ở bên. Do đó, khi thấy con có vẻ quá “bình thản”, đừng vội mừng rỡ là con mình “quá ngoan” mà nên lưu tâm quan sát trẻ nhiều hơn. Bạn cần biết rằng, ở trẻ tự kỷ, trẻ thường không phát triển hành vi gắn bó, có vẻ rất “lơ đãng” với cha mẹ và chẳng quan tâm lắm nếu không thấy cha mẹ. Trẻ không lo âu khi chia lìa cha mẹ và cũng chẳng sợ hãi khi không thấy cha mẹ đâu. Tất nhiên, biểu hiện trẻ có vẻ rất “thản nhiên” với chuyện mẹ đi làm chưa phải là dấu hiệu để khẳng định điều gì, song đó là lời lưu ý bạn cần quan sát con nhiều hơn. 

Một số biểu hiện thường gặp ở trẻ tự kỷ từ 6-12 tháng tuổi: 

  • Không thân thiện với cha mẹ.
  • Gọi tên hầu như không phản ứng đáp lại.
  • Không chơi các trò chơi xã hội đơn giản (“Ú òa”, “Bye-bye”).
  • Chưa có dấu hiệu ngôn ngữ (không bập bẹ, không có vẻ tò mò lắng nghe khi mẹ “nói chuyện” với bé…).
  • Dường như không quan tâm đến các đồ chơi của trẻ em. Không bao giờ chỉ các món đồ chơi để “đòi” mẹ lấy cho. 

4. Từ khi tập cho bé ăn dặm, bé không tăng cân trong 3 tháng liền, tuy nhiên cân nặng vẫn ở trong giới hạn bình thường…  

>> Nên hỏi ý kiến bác sĩ! 

Tuy bé chưa bị suy dinh dưỡng (vì vẫn nằm trong chuẩn cho phép), nhưng với trẻ nhỏ, việc không tăng cân trong 3 tháng liền (kể cả có những yếu tố tác động như giai đoạn mọc răng) là một dấu hiệu rất đáng lưu ý. Thực tế, chỉ 1 tháng bé không tăng cân là bạn đã cần trao đổi với bác sĩ và theo dõi rồi đấy!

Không tăng cân 3 tháng liền chứng tỏ sự phát triển của bé bị ngừng lại. Đây là dấu hiệu cảnh báo về sức khỏe (bé có thể có một bệnh tiềm ẩn) hoặc về dinh dưỡng (mẹ cho bé ăn dặm không đúng cách, bé bú quá ít sữa…). Điều bạn cần làm ngay là nên đưa bé đến bác sĩ để kiểm tra tổng quát, hỏi ý kiến bác sĩ và việc này và có thể sẽ phải điều chỉnh chế độ dinh dưỡng. 

Mẹ lưu ý, trường hợp này đáng lo ngại hơn so với trường hợp 3 tháng liền bé đều tăng cân nhưng cân nặng lại dưới chuẩn một chút. Bởi lẽ, cân nặng dưới chuẩn một chút chứng tỏ bé đang bị suy dinh dưỡng nhẹ. Tuy nhiên, cân nặng tăng đều chứng tỏ bé hấp thu tốt thực phẩm ăn vào, có sự phát triển. Bé chỉ cần được tăng cường thêm lượng sữa, tiếp tục bú mẹ hoặc bú các loại sữa công thức bổ sung đầy đủ dưỡng chất thiết yếu là sau một thời gian có thể bắt kịp đà tăng trưởng chuẩn (có chiều cao, cân nặng đạt đến mức bình thường). 

5. Con 12 tháng vẫn… chưa có chiếc răng nào dù bé phát triển chiều cao rất tốt!

>> Đừng lo, mẹ nhé!

Thông thường, 6 tháng tuổi bé sẽ mọc chiếc răng đầu tiên. Đến 12 tháng thì bé có khoảng 6 răng (và đến 24 tháng sẽ đầy đủ một hàm răng sữa gồm 20 răng, 10 ở hàm trên và 10 ở hàm dưới).

Tuy nhiên, một số bé đến khoảng 12-13 tháng mới xuất hiện chiếc răng đầu tiên và điều này vẫn chấp nhận được và mọc răng chậm không có nghĩa là bé “yếu” hay chậm phát triển. Bạn không cần phải quá lo lắng nếu như bé chậm mọc răng, đặc biệt trong trường hợp bé vẫn phát triển chiều cao tốt (chứng tỏ bé đủ Canxi). 

Hãy kiên trì với chuyện mọc răng của con. Sau tháng thứ 13, nếu bé vẫn chưa mọc răng, mới cần trao đổi với bác sĩ. Bạn chỉ nên lo lắng nếu kèm theo việc 12 tháng vẫn chưa mọc răng là các dấu hiệu khác như: bé suy dinh dưỡng, còi cọc, bé chậm tăng cân và chậm phát triển chiều cao, bé kém linh hoạt… 

6. Bé rất ít cười, như “bà cụ non”, “ông cụ non” ấy!

>> Hãy lưu tâm nhiều hơn đến bé!

Từ 6 tháng tuổi trở đi, bé thường cười rất nhiều để biểu lộ sự thích thú, vui vẻ, hạnh phúc. Ngay khi vừa thấy mẹ, bé đã “đãi” mẹ bằng một nụ cười đáng yêu vô cùng rồi. Do đó, nếu thấy con rất ít cười, hãy tăng cường thời gian gần gũi con, trò chuyện cùng con, quan sát con, chơi với con. 

Lưu ý bạn, bé từ 6-12 tháng ít cười, ít biểu hiện hạnh phúc thường là có một số dấu hiệu bất ổn về tâm lý. Đây cũng là một trong những dấu hiệu nhận biết sớm trẻ bị tự kỷ, mẹ nhé!

PGS. TS. Nguyễn Anh Tuấn (Phó Trưởng bộ môn Nhi, Đại học Y Dược Tp.HCM)