Sau rất nhiều cột mốc phát triển về thể chất và trí tuệ của bé ở năm đầu đời, đến khoảng thời gian này, mẹ lại đón nhận những “thành quả” mới của con. Hãy xem bé làm được những gì nào!
Phát triển thể chất
Vận động thô:
- 1 tuổi: Bé có thể đứng vịn, đi vịn, bò giỏi, tự đứng dậy được.
- 2 tuổi: Bé đi vững, sau đó chạy được, bé biết ném bóng, bước lên bước xuống bậc thang, nhảy hai chân cùng một lúc.
- 3 tuổi: Bé đi được bằng gót chân rồi ngón chân, bé đứng được bằng một chân, bé nhảy bậc thang được bằng cả hai chân và bước lên cầu thang mỗi bậc một chân.
Vận động tinh:
- 1 tuổi: Bé sử dụng đầu ngón cái và ngón trỏ để nhặt được vật nhỏ, bé cầm được bút chì và vẽ nguệch ngoạc.
- 2 tuổi: Bé xây được tháp với 4-8 hình khối, bắt chước vẽ một đường thẳng, vẽ nguệch ngoạc bằng bút chì hay bằng bút màu, mặc và cởi quần áo được với sự “hỗ trợ” của mẹ, biết kết nối nhiều hình khối thành đoàn tàu xe lửa.
- 3 tuổi: Ở giai đoạn này, bé có thể bắt chước vẽ hình tròn, xâu chuỗi 6 hạt, dùng kéo cắt theo đường vẽ sẵn, dùng được thìa (muỗng), mở nút thắt đơn giản, xây tháp với 8 hình khối.
Hãy khuyến khích bé chạy nhảy, chơi đùa!
Từ 1-3 tuổi, bé học hỏi thông qua chính quá trình vui chơi. Mẹ cần khuyến khích và tạo điều kiện cho bé chạy nhảy, chơi đùa một cách an toàn cả ngoài trời lẫn trong nhà.
Luôn nhớ rằng hoạt động thể chất vô cùng quan trọng với trẻ, nhất là trong giai đoạn này. Từ những trò chơi, bé sẽ được kích thích phát triển chiều cao, phát triển được hoàn thiện các kỹ năng vận động. Ngoài ra, hoạt động thể chất cũng giúp trẻ trở nên tự lập hơn, không còn “bám riết” lấy mẹ, tự tin và cải thiện khả năng học hỏi của bé, giúp bé sẵn sàng cho quá trình “đi mẫu giáo” khi 3 tuổi trở đi.
* Mẹ đặc biệt lưu ý: Từ 1-3 tuổi, trẻ vô cùng hiếu động và chưa hiểu được hết các cảnh báo nguy hiểm. Do đó, mẹ cần hết sức cẩn trọng khi cho trẻ chạy nhảy, chơi đùa, luôn đặt câu hỏi: “Con có an toàn không? Có yếu tố nào xung quanh vô tình gây nguy hiểm cho con không?”.
Mẹ còn có thể hướng dẫn cho bé một vài mẹo để tránh tình huống nguy hiểm. Ví dụ như bên cạnh việc mẹ phải có dụng cụ chặn cầu thang không để bé tự ý leo lên leo xuống, mẹ cũng nên tập cho bé leo cầu thang một cách an toàn: Hướng dẫn con nắm tay vào tay vịn, bước lên từng chân một. (Bạn có thể dán các sticker hình bàn chân ngộ nghĩnh trên từng bậc thang, ở vị trí sát tay vịn. Dặn bé bước chân đúng theo vị trí các hình sticker ấy, và nắm chặt tay vịn khi lên xuống)…
Phát triển trí tuệ
Giai đoạn bé từ 1-3 tuổi là giai đoạn phát triển vượt bậc về nhận thức. Khi được 18 tháng, trẻ đã phát triển về khả năng ghi nhớ, tập trung, tò mò và có khả năng suy luận, biết liên kết thông tin, học được kinh nghiệm để giải quyết các vấn đề đơn giản.
Sự phát triển trí tuệ của trẻ thể hiện cụ thể qua:
Vận động
- Giai đoạn 12-24 tháng: Trẻ biết đi, từ chậm đến nhanh dần. Thời điểm 24 tháng tuổi, trẻ có những động tác ngộ nghĩnh như: đi lắc lư, chạy nhảy, vung hai tay linh hoạt. Ngoài ra, trẻ có thể bắt chước và thử trượt cầu trượt, chơi bập bênh, xích đu…
- Giai đoạn 24-36 tháng: Thay vì chỉ tò mò quan sát như trước đó, trẻ bắt đầu thích động chạm vào đồ vậy. Đây là hình thức “tư duy bằng tay” theo phương thức thử và sai (trực quan - hành động).
Ngôn ngữ
- Giai đoạn 12-18 tháng: Vốn từ vựng phát triển rất nhanh, trẻ có thể hiểu và nói các từ đơn, những câu đơn giản như gọi bố mẹ, diễn đạt yêu cầu, chào khách. Nếu được chỉ bảo, trẻ sẽ nhanh chóng nắm được tên các đồ vật, phân biệt được to nhỏ, khoảng cách, có khái niệm về thời gian.
- Giai đoạn 18-24 tháng: Trẻ biết sử dụng ngôn ngữ như phương tiện cơ bản để nhận thức thế giới xung quanh, cũng như để đòi hỏi thỏa mãn các nhu cầu cơ bản. Kinh nghiệm giao tiếp tăng lên, trẻ có thể trò chuyện với người lớn, thuật lại sự việc bằng câu đơn giản. Vốn từ của trẻ ở 24 tháng là khoảng khoảng 200 từ và hiểu một số lượng từ lớn hơn nhiều lần.
- Giai đoạn 24-36 tháng: Trẻ hiểu các câu phức, nắm được ngôn ngữ sơ bộ và ngày càng tích cực phát âm.
Khả năng tập trung
- Giai đoạn 12-18 tháng: Trẻ bắt đầu hình thành “sự chú ý có ý thức”. Điều đó giúp bé có thể tập trung chú ý trong thời gian dài (khoảng 30 phút) vào một vật gì đó (ví dụ tập trung xem một bộ phim hoạt hình).
- Giai đoạn 18-24 tháng: Khả năng tập trung của trẻ vào đồ chơi cũng cao hơn. Thời gian tự chơi của trẻ lúc này là 50-60 phút. Hành vi của trẻ đối với đồ chơi dần dần mang tính khống chế, mày mò nghiên cứu hơn.
- Giai đoạn 24-36 tháng: Sự tập trung của trẻ trong thời kỳ này phát triển nhanh nhất, nó khiến trẻ có thể chơi một mình với đồ chơi trong hơn 1 giờ liền. Lên 3 tuổi trẻ biết được tính chất của đồ vật và sửa dụng nó theo ý mình.
Khả năng tư duy
Tư duy của trẻ nhỏ bắt đầu phát sinh ở thời kỳ này. Đặc điểm chủ yếu về tư duy của trẻ từ 1 đến 3 tuổi là hành động theo trực giác, tức là khi mắt có cảm nhận với sự vật nào đó thì trẻ tự có hành động gắn liền ngay, tư duy được thực hiện qua các thao tác.
Một số “thành tích” khác của bé cưng
- Thông qua quá trình thử và sai, trẻ đã dần thiết lập được những mối quan hệ hành động nguyên nhân - kết quả và mối liên hệ giữa các đồ vật. Ví dụ: đập quả trứng xuống đất, bé thấy quả trứng bị vỡ thì lần sau khi cầm quả trứng, bé sẽ có ý thức cẩn thận đưa cho mẹ, không làm vỡ nữa.
- Bé nhận biết được “nhóm” con vật, đồ vật, các loại quả. Khoảng 3 tuổi, bé sẽ biết cách nhóm lại rất nhiều vật đơn lẻ khác nhau như các mô hình xe đồ chơi, quần áo, biết xếp những chiếc ly vào cùng kệ đựng ly…
- Bé bắt đầu phân biệt được màu sắc, hình khối. Mẹ có thể chơi cùng con và chỉ dần dần cho con cách gọi tên đúng màu, đúng hình.
- Một số bé rất thích nghe nhạc và có thể gõ nhịp chính xác. Bạn đã có thể dạy cho con những bài hát ngắn rồi đấy.
Mẹ ghi nhớ
Dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển thể chất và trí tuệ ở trẻ. Bé cần được bổ sung đầy đủ các dưỡng chất thiết yếu, các khoáng chất, vitamin… mà cơ thể cần để phát triển hoàn thiện mọi giác quan, tăng cường sức đề kháng, có cân nặng và chiều cao đạt chuẩn để vui chơi ngoài trời, học hỏi và xây dựng nền tảng tốt nhất cho những năm phát triển tiếp theo. Nên lưu ý chọn sữa bột không có đường cho con, vì một lượng đường đưa vào cơ thể trẻ quá nhiều chính là nguyên nhân gây sâu răng, hiếu động thái quá, đồng thời làm tăng nguy cơ mắc bệnh béo phì.