Ngân hàng sữa mẹ Bệnh viện Từ Dũ khai trương hôm nay sau hơn ba tuần thử nghiệm, hoạt động trên cơ sở phi lợi nhuận.
Bác sĩ Lê Quang Thanh, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, cho biết trong gần 70.000 ca sinh hàng năm tại đây, khoa Sơ sinh tiếp nhận khoảng 6.000-7.000 trẻ sinh non tháng với các bệnh lý đi kèm rất cần nguồn sữa mẹ đẻ đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng điều trị, hỗ trợ cho quá trình hồi phục.
Khó khăn của bệnh viện nhiều năm qua là nhiều bà mẹ đến từ các tỉnh xa, không có điều kiện ở lại gần bệnh viện để trực tiếp gửi sữa cho con. Một số sản phụ qua đời sau sinh, mắc các bệnh lý không thể cho con bú, khiến các bé đa phần phải sử dụng sữa công thức.
So với sữa công thức, sữa mẹ đạt chuẩn sẽ giúp trẻ giảm thiểu tình trạng viêm ruột hoại tử, nhiễm trùng, giảm thời gian truyền dịch nuôi ăn qua tĩnh mạch và tổng số ngày nằm viện. Ở nhóm trẻ non tháng và bệnh lý, sữa mẹ không đơn thuần là dinh dưỡng mà có ý nghĩa sống còn.
Ngân hàng sữa mẹ Bệnh viện Từ Dũ ra đời sau hai năm chuẩn bị, hoạt động theo mô hình thu thập sữa tự nguyện hiến tặng từ các mẹ đang nuôi con nhỏ, không nhận phí. Việc sàng lọc và tuyển chọn sữa mẹ hiến tặng tuân theo quy trình nghiêm ngặt.
Người mẹ cần khỏe mạnh, từ 18 tuổi trở lên, không nhiễm các bệnh lây qua sữa mẹ như HIV, viêm gan B, C, giang mai. Bà mẹ không dùng các thuốc chống chỉ định trong thời gian cho con bú, không hút thuốc, không thường xuyên sử dụng đồ uống có cồn...
|
Nhân viên làm việc trong ngân hàng sữa mẹ tại Bệnh viện Từ Dũ. Ảnh: Thành Nguyễn.
|
Quy trình của ngân hàng sữa mẹ đòi hỏi nhiều công đoạn vận chuyển, lưu trữ, thanh trùng, xét nghiệm... nên người sử dụng sữa phải trả một khoản phí.
Giáo sư Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, đánh giá cao nỗ lực của Bệnh viện Từ Dũ và sự trợ giúp của các tổ chức quốc tế cho ra đời ngân hàng sữa mẹ thứ hai tại Việt Nam.
"Đây là sự kiện quan trọng, có ý nghĩa khoa học và nhân văn cao. Sữa mẹ có hàm lượng dinh dưỡng cao, nguồn kháng thể phong phú mà hệ miễn dịch non yếu của trẻ rất cần", ông Tiến nói.
Phó giáo sư Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM, yêu cầu Bệnh viện Từ Dũ không chỉ ưu tiên nguồn sữa mẹ hiến tặng cho trẻ đang điều trị tại đây mà cần tính đến những trẻ đang điều trị tại các khoa Hồi sức sơ sinh các bệnh viện chuyên khoa sản, nhi đầu ngành của thành phố.
Sau hơn ba tuần vận hành thử nghiệm từ 19/3, ngân hàng được tặng trên 60 lít sữa. Bệnh viện thanh trùng hơn 20 lít, sử dụng cho 12 bé cân nặng từ 750 gram đến 1,7 kg.
Ngân hàng sữa mẹ đầu tiên tại Việt Nam được Bộ Y tế cấp phép đặt tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng năm 2017.
Sữa mẹ hiến tặng thô vận chuyển về ngân hàng sữa mẹ sẽ được làm xét nghiệm, lưu trữ ở nhiệt độ -20 độ C. Ngân hàng sẽ tiến hành thanh trùng lượng sữa theo nhu cầu sử dụng mỗi ngày, đưa sữa vào trong máy chuyên biệt lên nhiệt độ 62,5 độ C trong 30 phút, sau đó làm lạnh nhanh xuống 4 độ C.
Sữa mẹ sau khi thanh trùng sẽ được lấy mẫu để làm xét nghiệm một lần nữa và tiếp tục trữ đông. Chỉ sữa nào có hai xét nghiệm trước và sau thanh trùng đạt tiêu chuẩn mới được đem đi rã đông và phân phối cho các em bé đúng theo chỉ định của bác sĩ.
|
Lê Phương( VN Express)