Nửa năm trôi qua kể từ ngày đầu tiên bạn đón thiên thần bé bỏng chào đời. Nhiều người bảo bé vẫn còn… bé lắm, chưa biết gì đâu. Nhưng nhầm rồi nhé!
Bé hoàn toàn có thể cảm nhận được về mẹ, về tình yêu thương của mẹ ngay từ ngày đầu tiên. Tình yêu của mẹ sẽ giúp bé “mạnh mẽ” hơn, cứng cáp hơn, phát triển hoàn thiện về thể chất và tâm lý hơn. Làm sao để bé biết bạn yêu bé? 5 tuyệt chiêu này, bạn hãy thử xem!
Cho con bú
Không có gì giúp gắn kết mẹ và con dễ dàng và sâu sắc hơn việc bạn cho con bú. Ôm ấp con sát vào ngực, để bé cảm nhận từng nhịp tim của mẹ, từng yêu thương của mẹ qua dòng sữa ngọt ngào.
Vuốt ve, massage cho bé
Không phải vô cớ mà các bác sĩ thường cho các em bé sinh non được “cận kề” sát trong lòng mẹ (bằng phương pháp Kangaroo, cho da bé tiếp xúc trực tiếp với da mẹ). Ngay từ những khoảnh khắc đầu tiên sau khi chào đời, bé đã có thể “cảm nhận” được sự ấm áp của mẹ, tình yêu của mẹ qua những vuốt ve, tiếp xúc ấy. Hãy vuốt ve bé bất cứ khi nào có thể. Đơn giản như “nắn chân” khi đang bồng cho con bú mẹ, hoặc sau khi tắm bé xong và lau khô, bạn có thể để bé nằm thoải mái, nhẹ nhàng thực hiện các động tác xoa, vuốt ở vùng tay, chân, bụng, ngực… cho con. Điều này không chỉ giúp bé thoải mái, phát triển xúc giác mà còn khiến bé cảm nhận về tình yêu của mẹ hơn.
“Trò chuyện” cùng con
Bé chưa biết nói, chưa hiểu gì ư? Ồ, thế nhưng bé hoàn toàn cảm nhận được những yêu thương của mẹ qua những lần “nói chuyện” và rất thích thú được nghe tiếng mẹ đấy nhé. Từ 2-3 tháng tuổi thôi, bé đã có thể nhận ra được khi mẹ gọi tên mình. Bé biết hóng chuyện và rất “vui vẻ” , “ê a” khi được quan sát khuôn mặt mẹ, nghe tiếng mẹ. Nói chuyện cùng con càng nhiều trong 6 tháng đầu đời, bạn càng giúp con sau này có vốn từ phong phú và biết nói sớm hơn. Lưu ý, mẹ không nên cố ý nói ngọng (ví dụ không gọi con là “tục tưng” thay vì cục cưng), nên nói những từ ngắn, đơn giản để bé dễ nghe. Âm lượng giọng nói vừa đủ và hãy sử dụng âm điệu ngọt ngào nhất mẹ có thể.
Ru con ngủ
Kể cả khi bạn hát ru không hay thì hãy cứ thử đi. Với bé, không có âm thanh nào êm đềm và khiến bé dễ ngủ, ngủ sâu, bình yên như lời ru của mẹ.
Chơi đùa cùng bé
Chơi đùa là một cách giúp bé phát triển trí tuệ. Tùy từng giai đoạn, bạn có thể tham khảo những trò chơi phù hợp. Đơn giản nhất như trò chơi “ú òa”, bạn cũng sẽ mang đến cho con những phút giây đầy vui sướng.
Vài trò chơi mẹ có thể áp dụng
- Cầm một chiếc lục lạc lớn để bé nhìn thấy, rung lắc chiếc lục lạc gây chú ý ở sát chân bé, khuyến khích bé cố dùng chân chòi đạp nó (áp dụng cho bé 4 tháng tuổi). Trò chơi này giúp bé vận động chân, tập trung quan sát.
- Cầm tay bé và cùng vỗ tay với bé khi bạn hát cho bé nghe. Hát những bài hát bé ưa thích, thay đổi giọng (to, nhỏ, lên xuống) và phát âm từ ngữ rõ ràng (áp dụng cho bé 6 tháng tuổi). Trò chơi giúp bé lắng nghe nhịp điệu, ghi nhớ thêm nhiều từ ngữ. Việc này hỗ trợ rất nhiều cho quá trình bé học nói về sau.
Mẹ có biết
Người mẹ cho con bú thường âu yếm, nâng niu con, do vậy trẻ cảm thấy vui vẻ, bình yên, thoải mái, tình cảm mẹ con được hình thành và gắn bó hơn. Trẻ không chỉ phát triển khỏe mạnh nhờ dòng sữa mẹ mà còn nhờ cảm giác tin cậy và an tâm khi được cận kề bên mẹ. Việc cho bé bú cũng giúp người mẹ giải tỏa được sự căng thẳng trong những tháng đầu tiên sau khi sinh, thấy hạnh phúc và bớt nhọc nhằn hơn.